Văn hóa Bóng đè (tác phẩm)

Hiện tượng bóng đè vốn đã thu hút sự hiếu kì của giới sử gia và văn nghệ từ cổ đại. Trong tác phẩm De vita Caesarum (121 SCN), tác gia Suetonius đã tường trình một sự kiện rằng, Gaius Iulius Caesar từng nằm mộng thấy được cấu hiệp với người mẹ quá cố của mình. Tại An Nam trung đại, các tác phẩm Tang thương ngẫu lụcThánh Tông di thảo cũng kể những truyện kì dị về người chiêm bao thấy hóa bướm hoặc ăn nằm với động vật thành tinh. Chuỗi hiện tượng này sau được tác gia Edgar Allan Poe gọi chung là lý thuyết Con mèo đen, theo một đoản thiên của chính ông; mặt khác, tác gia Oscar Wilde lại đặt là Con ma nhà họ Can với thêm yếu tố trào lộng về sinh hoạt gia đình thời cơ khí hóa. Trong khi giới nghiên cứu tạm gọi là "lý thuyết hậu Freud", vì phải mãi tới thập niên 1970 mới được xem xét đích đáng.

Trong loạt truyện Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, tác gia Nguyễn Huy Thiệp thường được coi là tiên phong trong văn chương Việt Nam hiện đại khi quy lý thuyết này về thân phận đàn bà. Tuy vậy, sau một số thiên truyện nữa của tác gia Lê Lựu như Thời xa vắng hoặc vài thi tập của nữ tác gia đầu thập niên 2000, lý thuyết này bị chững lại trong làng văn nghệ Việt Nam, chỉ loanh quanh giải thích cội nguồn sự trống trải tinh thần trong sinh hoạt tiêu dùng hiện đại, quá lắm chỉ đề cập đến các hiện tượng bất an hoặc tự tử trong giới trẻ.

Sau tác phẩm chấn động dư luận Bóng đè, tác giả Đỗ Hoàng Diệu cho ấn hành thêm vài tác phẩm nữa với ý định phát triển thêm phong cách khai thác thể tài, nhưng do thị hiếu công chúng cuối thập niên 2010 quá biến thiên nên không thành công. Bà hạn chế dần xuất hiện trong giới văn bút[6].

Trong giới phê bình, chỉ riêng với Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu thường được cho là sánh ngang hoặc bị đem so với Vệ Tuệ - tác gia xuất hiện đồng thời. Tuy nhiên, theo quan điểm của tiến sĩ Trần Ngọc Vương, chỉ riêng với Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu đã bộc lộ mĩ quan vượt hẳn người đồng nghiệp Trung Quốc, cho nên sự so sánh Đỗ Hoàng Diệu với Vệ Tuệ là "khập khiễng".

Đỗ Hoàng Diệu là nhà văn của một nền văn chương già nua đang hấp hối. Thế giới quanh cô vẫn là thế giới u ám của làng quê Việt Nam hai mươi năm trước, với những bà mẹ chồng cay nghiệt, những cô em dâu lăng loàn, những ông chồng nhu nhược. Thế giới của cô là thế giới của một lớp công chức nhà nước già nua, với những công thức cliché cũ mèm về tình yêu nơi công sở được gia giảm liều lượng bằng sự hèn hạ của người đàn ông. Thế giới của Diệu nồng lên mùi mồ hôi của các nhân vật của cô không ngừng tuôn chảy, nơi nước là nguồn cứu rỗi duy nhất cho cuộc sống ngột ngạt và mặc váy màu hồng khi đi ngủ là thứ xa xỉ duy nhất mà nhà văn dám trao tặng cho nhân vật của mình - hãy xem cô đã mô tả một cách tự hào thế nào những chiếc váy ngủ màu hồng đó.
Đỗ Hoàng Diệu là nhà văn đại diện cho một lớp người trẻ lười biếng không mang trong mình một phông văn hoá nào đủ mạnh. Các nhân vật trong truyện ngắn của Diệu nghèo nàn đến lạ về cuộc sống tinh thần. Một lớp người sống lạc hậu và hời hợt cả về vật chất và tinh thần, sẽ bị xã hội ngày nay đẩy ra bên đường, một nhóm người mà với họ âm nhạc đồng nghĩa với Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ qua tiếng chuông của điện thoại di động, với những ám ảnh Trà hoa nữ thế kỷ thứ 18, kêu tên Chúa một cách vô lối để làm sang và hai tiếng “công ty” nghe kêu như tiếng “phù hoa”. Nếu họ không khâm phục một người đàn ông Trung Hoa có “thân hình rắn chắc tựa củ sâm” thì cũng là một anh chàng người Mỹ khù khờ nhưng lại biết nhiều thành ngữ tiếng Việt, và đỉnh cao của sự văn minh theo họ là một đám cưới ở khách sạn Hilton; hình như với họ, chỉ mấy từ trống rỗng “khách sạn Hilton” là đủ cho giấc mộng của một “hội chợ phù hoa”.
Cô viết về tình dục, trong cái nghĩa thấp kém của từ này. Đừng gán cho nhân vật của Diệu những tính từ to tát như “ám ảnh vì một thứ tội tổ tông”, hay “vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều số phận đàn bà”, v.v… Đỗ Hoàng Diệu mạnh bạo hơn nhiều nhà văn khi đề cập đến tình dục, nhưng ngoài việc mô tả những “cú thúc từ phía sau”, những “bóp nát, bục vỡ, khoan sâu”, những bộ ngực cương cứng vì thèm khát, những cào cấu cắn xé, cô còn có gì? Những “âm thanh ập è sin sít”, “hơi thở đều đều vung vãi” của Thụ (“Bóng đè”), “mùi phù sa sông Hồng… sắp sửa trương thối” của chàng trai (“Vu quy”) “đầu cúi thấp, như con chó mới bị đánh đòn” của Trí (“Dòng sông hủi”)?… Trong những trang viết của chị, những người đàn ông nếu không đểu giả tàn ác (Công trong “Dòng sông hủi”), nham hiểm (người đàn ông Trung Hoa trong “Vu quy”) thì cũng đớn hèn (Trí trong “Dòng sông hủi”) hay nhạt nhẽo (Thụ trong “Bóng đè”) - hoàn toàn đối lập với một nhân vật nữ, trong truyện ngắn nào cũng được mô tả với cặp đùi dài miên man, bộ ngực căng tràn và sự “thông minh, nhạy cảm vô bờ” - (thứ mà thực ra nhà văn không hề chứng minh được trong các truyện ngắn của mình). Ngoài những dục vọng được mô tả một cách sống sượng và sự huyễn hoặc về mình, các nhân vật của Diệu hoàn toàn không có một cuộc sống tinh thần và tình yêu thương với con ngườI - những thứ tạo nên độ sâu cho văn học.
Có người nhắc đến chất feminist (nữ quyền) trong sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu. Nhưng chủ nghĩa nữ quyền trước tiên là sự từ khước, từ khước cái mà các nhà nữ quyền gọi là nền văn hoá áp chế của đàn ông. Các nhà nữ quyền không khinh rẻ, nhưng họ từ khước những “thiết chế văn hóa” mà họ cho rằng tạo ra sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Virginia Woolf, nhà văn và nhà lý luận của chủ nghĩa nữ quyền viết: “Thật nguy hiểm cho người viết nào khi viết lại nghĩ về giới tính của mình”. Sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu không có chút gì chung với chủ nghĩa nữ quyền -ngược lại thì đúng hơn. Càng hạ thấp các nhân vật nam, các nhân vật nữ của cô càng có vẻ quị luỵ trong một “thiết chế của đàn ông”, quị luỵ trong dục tính cần đến đàn ông mới có thể hiện hữu của mình. Vệ Tuệ cười vào mũi những người gọi cô là nhà văn theo chủ nghĩa nữ quyền. Mặc dù cô đã lấy lời của Lucy Stone, nhà tranh đấu cho quyền bình đẳng của phụ nữ thế kỷ thứ XIX làm đề từ cho chương cuối cùng của Bảo bối Thượng Hải: “Tôi chỉ là tôi, một phụ nữ, chứ không phải phần còn lại của thế giới”, nhưng câu hỏi cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, khi “một cảm giác vừa dịu dàng vừa cay đắng tràn ngập, và trong phút chốc tôi không biết trả lời bà lão mệt mỏi và yếu ớt này ra sao” lại là, “phải, tôi thực sự là ai, tôi là ai?”. Câu hỏi cổ xưa như trái đất “tôi thực sự là ai” đau đáu trong tác phẩm đã khiến cô vượt lên những ràng buộc hào nhoáng của các thứ chủ nghĩa tân kỳ để trở thành một nhà văn viết cho con người, tìm kiếm những giá trị nhân bản của con người. Liệu chúng ta có tìm thấy câu hỏi đó trong các truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu?
— Nguyễn Thanh Sơn, Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu, Talawas, 2005

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bóng đè (tác phẩm) http://thuykhue.free.fr/tk06/noichuyenDHDieu.html http://dantri.com.vn/c25/s23-171421/nha-van-y-ban-... https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story... https://www.facebook.com/1462041407360798/posts/14... https://www.thotre.com/luutru/index.php?menu=detai... https://vnexpress.net/suc-manh-am-goi-va-tuong-tuo... https://vnexpress.net/suc-manh-am-goi-va-tuong-tuo... https://dantri.com.vn/van-hoa/hien-tuong-do-hoang-... https://nld.com.vn/van-nghe/tu-phon-sinh-den-bong-... https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/do-hoang-dieu-tho...